Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Trời lập đông chưa em...







Sắp vào lập đông. Nơi cố đô, NHL báo gió mùa đông bắc sắp kéo về đem theo mưa lạnh khiến cô nàng 3T liền thay gối mùa đông với màu hồng cho ấm áp, rồi gửi chút nắng ra ngoài đèo Hải Vân. Tít tận Sài Gòn chưa hề biết mùa đông kể từ ngày vào trong nớ, TTM nhớ lại những ngày đông thời sinh viên với những cơn đói lạnh tàn canh. Cụ ĐTD xuýt xoa cái rét buốt trong hồn nhưng vẫn khoái mùa đông. Lão TQS bật cười  khi nhớ mình chẳng còn cái quần để mặc khi mà cái quần ấy được NB cho đi thăm chị Gái. Còn chàng TA thì reo lên cái sự tắm táp của đám sinh viên cư xá trong những ngày lạnh đến nỗi teo cả buji. Còn mình, làm sao mình quên những ngày đông xứ Huế.
      Có nhiều kỷ niệm. Trong đó...có một đêm đông, lạnh quá ngủ không được, chắc khoảng nửa đêm, mình nghe tiếng đàn, tiếng hát văng vẳng trước phòng. Mình ngồi dậy, quấn tấm mền mỏng, mở cửa bước ra hành lang. Ánh trăng nhợt nhạt, cư xá vắng lặng. Chỉ còn một chàng " ca sĩ " ôm đàn ghi-ta ngồi trên thành ghế đá dưới gốc bàng trụi lá. Ký ức lờ mờ mình không nhớ chính xác là ai. Hình như là TTM, hay NĐH ? Có lẽ là TTM thì đúng hơn. Chàng ôm cây đàn, vừa đệm, vừa hát như không hề biết đêm đã khuya, trời thì lạnh buốt. " Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi. Để mình anh cô đơn...". Cứ thế, chàng "ca sĩ" cứ láy đi, láy lại bài hát ấy nhiều lần. Rất chi là tâm trạng. Da diết buồn làm sao. Hình như anh chàng mới bị "hất tay" hay là mới "quay gót" một cuộc tình ?  " Trời lập đông chưa em...". À, mình nhớ không nhầm thì cái tuýp nhạc này thích hợp với TTM hơn là NĐH. Những bạn ở Thừa Thiên-Huế "nổi danh" với những tình khúc của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh...lắng sâu trong cư xá đêm đêm. Mình nghe một chặp rồi khẽ mở cửa vào phòng, không muốn khuấy động tiếng lòng của chàng "ca sĩ". Dưới gốc bàng trơ trọi lá, dưới ánh trăng nhợt nhạt, chàng vẫn hát cùng với "mùa đông của em" hay là mùa đông của chàng...
   ... Lập đông năm nay...nơi quê mình trời vẫn xanh và nhiều nắng. Gió bấc hơi se se và vẫn chưa có mưa. Mấy hồ chứa nước, nước vẫn nằm ở mực nước chết. Nhiều cánh đồng khô không khốc. Lập đông rồi tới tiểu tuyết, đại tuyết mà mưa vẫn không mưa rơi thì sang năm sẽ có nhiều cánh đồng khô cỏ cháy. Và sẽ có nhiều người bỏ quê vào Sài Gòn kiếm sống...
       " Trời lập đông chưa em...". Mình vẫn mong mùa đông về với những cơn mưa "trắng đồng" nơi quê mình để tích đủ nước cho ruộng đồng, để người làm ra hạt lúa bớt bỏ làng tha phương, cầu thực. Và...cuối cùng, nhỏ thôi, để bọn mình da diết nhớ nhau khi bất chợt thấy mùa đông về gõ cửa ký ức của một thời...không xa vắng!

Đi đường tắt












 Mình nhớ hồi học lớp 6, lớp 7...đường đến trường xa đến gần 5 cây số là ít. Sáng phải dậy thật sớm, nghe tiếng gà gáy thay cho đồng hồ báo thức. Sách vở gọn gàng, bữa nào ở lại trường thì mang theo cơm nén trong vỏ lon sữa Guigo, trên thêm bì muối đậu phộng hoặc trán một trứng vịt. Thế là, bình minh vừa ló dạng, lũ bạn trong xóm léo nhéo gọi nhau đi học. Lát sau, cả lũ gom thành bầy, lên đường. Đường đến trường thôi thì thật đa dạng về địa hình, địa vật. Khi thì rồng rắn nối nhau đi trên bờ ruộng, lúc thì luồn qua thôn xóm, qua sông , qua suối, có lúc len lổi men theo chân đồi đầy sổi đá, gai góc...Mùa nắng, trưa về nám cả mặt, bụng đói, chân rã rời cố mà lê bước. Nhưng dù sao cũng dễ chịu hơn là mùa mưa, mùa lụt bão. Vào những tháng trong mùa mưa bão đó, nước sông từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, tràn vào đồng ruộng, làng xóm và chỉ cần qua một đêm là cả một vùng mênh mông một màu trắng đục phù sa mà người dân quê mình gọi là " nước bạc". Có năm lụt lớn, nước ngấp nghé ngoài bậc thềm. Người lớn thì lo lắng, vất vả chống chọi với bao nỗi do lụt lội. Còn trẻ con như bọn mình ở quê thì "khoái" lắm. Trước hết là được nghỉ học, rủ nhau chặt những thân chuối đóng bè hoặc nài nỉ xin ba mẹ mượn chiếc sõng nan rồi bơi, rồi chống chèo trên đồng nước trắng lăng. Cả ngày cứ thế mà đùa giỡn cùng đồng nước quê mình. Vài ngày sau nước rút dần và lại phải đến trường dù không muốn mấy! Đường đi học lúc này mới thấy vất vả đúng y chang cái nghĩa đen trùi trụi. Qua sông bằng những chiếc sõng nan bé tẹo, nước liếm sát vành, mấy đứa ngồi nín thở, tưởng như đứa nào đó lỡ bật ho một tiếng thì chiếc sõng nan  nước ào vào chìm ngay. Mình nhớ mãi một kỷ niệm buồn vào đầu năm lớp 7. Lúc đó nước sông cạn, lội qua được. Trong nhóm có một chị con gái học trên mình một lớp và  trong số bọn con trai duy chỉ có một đứa biết bơi thôi. Theo lệnh  thằng bạn biết bơi, mấy đứa con trai đi trước một đoạn, tách  hẳn chị con gái, rồi nhanh chóng cởi hết áo quần gom lại với sách vở, đội trên đầu, đến chỗ nước gần ngập đầu , thằng biết bơi nắm tay lôi từng đứa qua. Khi nó vừa bỏ tay, thằng nào cũng vội vàng lội nhanh lên bờ, mặc ngay quần áo. Sau cùng là tới chị con gái. Bữa đó mình không nhớ, không hiểu vì sao chị lại sẩy tay, sẩy chân làm sao đó mà chìm trôi ngay theo dòng nước chảy xiết. Cả lũ kêu cứu ...nhưng rồi...Có đến một năm sau, gần như đứa nào cũng nhớ, cũng nhắc hình ảnh cuối cùng của chị chấp chới chìm dần vào dòng nước với niềm thương tiếc, xót xa...
         Mình nhớ đường đến trường phải qua một cánh đồng xa ngai ngái, rồi vòng qua xóm nhà nho nhỏ. Khi mùa lúa gặt xong, cánh đồng trơ gốc rạ, bọn mình theo dấu mòn người dân đã đi để đi tắt, mong rút ngắn bớt quãng đường được chút nào hay chút nấy. Cứ thế theo thói quen, chẳng cần nghĩ vì sao lại thế!  Một bữa, có một thằng bạn chợt khoát tay hỏi rõ to : " Đố tụi bay, vì sao tụi mình  không đi trên bờ nữa mà xuống ruộng đi ?". " Mầy hỏi ngu quá! Xuống ruộng đi tắt cho gần, vậy mà cũng hỏi!". Thằng đó lại hỏi tiếp: " Vì sao gần ?". " Thì...gần chớ sao!". Thằng bạn đứng lại, la lên: " Tui bay ngu thì có. Hôm qua thầy dạy mà tụi bay ngu không biết! Mình đi xuống ruộng là mình đi một cạnh tam giác, nên phải ngắn hơn đi liền hai cạnh kia!". " Ờ hén!". Nói xong nó cười khoái chí.
         Vài hôm sau, nó xướng lên cùng cả bọn: " Tao thấy đi vòng vèo qua xóm nhà thấy xa quá! Hay là ta đi tắt theo đường thẳng, từ chỗ sau lùm tre với mấy đám ruộng sình, cái gò mả được không ?". Mấy đứa liền lao nhao: " Thôi đi mầy, không có đường đâu mà đi, đừng bày bậy". " Cứ đi đường lâu nay mình đi có sao đâu!". Nó ra chiều phấn khích: " Tao dòm kỹ rồi! Đi theo hướng đó nhanh hơn một nửa đó! Chẳng tin ngày mai đi thử nhen!". Đứa thì lắc đầu: " Tao không ngu! ". Có đứa con gái thì cười ré: " Thôi đi "ông nội". Tui không theo đâu!". Còn mình thì nghe nó nói cũng phai phải. Đi một cạnh chắc chắn ngắn hơn nhiều cạnh. Nó thuộc làu mấy bài hình tam giác vừa học ấy mà. Nó muốn áp dụng theo lời thầy giảng để rút ngắn quãng đường. Ừ, thử coi sao! Mình ậm ờ, vẻ ngầm theo nó. Và rốt lại chỉ có mỗi mình mình là được nó tin cẩn...
           Sáng hôm sau, tới đoạn đường sắp vòng qua xóm, nó kéo mình chậm lại, để mấy đứa kia vượt qua một quãng xa, rồi nắm tay mình hồ hởi: " Tao với mầy đi đường này. Gần lắm! Đi trước cho bọn nó biết mặt! Theo tao, nhanh lên! ". Thế là hai đứa lom lom đi men theo mấy bụi tre gai, rồi lội xuống ruộng, bùn liền ngập tới gối. " Ối cha, bùn vầy sao đi được!". Nó bảo đưa cặp vở nó cầm cho, xắn quần lên khỏi dính bùn. Bì bõm lội cũng qua được đám ruộng. Mình thở phào, trèo lên bờ đất, gặp phải một vùng gò mả, thấy sờ sợ. Qua được vùng gò mả đụng phải hàng rào tre ken dày của vườn nhà ai đó. Nó bí đường. " Làm sao qua được mầy!". Nó toát mồ hôi, nhưng vẫn làm cứng: " Không sao, để tao chui qua trước cho...". Nó chui qua nhanh như chuột. Lóng ngóng một hồi rồi mình cũng chui qua được, chỉ thêm mấy vết gai cào rướm máu lẫn bùn đất trên bắp chân. Mới đi qua một đoạn vườn, thì giật mình nghe tiếng quát: " Tụi bay đi đâu đó? Làm gì vậy???" . Cả hai líu ríu : " Dạ...tụi con ...đi học...". Môt bác già ở đâu xuất hiện lừng lững trước mặt. " Đi học sao không đi đường ngoài mà vào tận đây?". " Dạ...dạ... tụi con...đi lạc...". Nó đáp lí nhí. " Thôi được rồi ! Đi ra sân trước, qua ngõ rồi theo đường nhỏ là đến đường xóm lớn mà đi! Tao tưởng ma lạc dẫn tụi bay đi chứ !". " Cám ơn bác!". " Đi nhanh khéo trễ đó. Thằng cháu tao đi hồi nào mà tụi bay còn ở đây!"....
             Bữa đó , hai thằng bỏ học một buổi. Học hết lớp 7, may sao thằng bạn chưa tìm con đường đi tắt khác...
                                                                                                                               

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Em khổ lắm anh!


     Năm trước, hắn gặp nàng trong một đám cưới ở quê. Thằng bạn hắn, tuổi đời gần non nửa "thế kỷ" lá vàng rơi vèo qua đầu bỗng "qua cơn mê", vội vàng lấy vợ. Nàng là bạn chung của hai thằng, chơi thân từ thuở mới biết mặc quần. Nàng vượt hàng trăm cây số về quê, trước thăm gia đình, hàng xóm, sau là chứng kiến gã bạn lớn hơn hắn hai tuổi lò dò lên xóm trên dắt một cô cũng lỡ đường như gã bạn hắn về "sống chung" cho đỡ buồn. Sau gần hai mươi năm gặp lại, hắn ngỡ ngàng, tưởng như không nhận ra nhỏ bạn gầy đét ngày nào.
       Khoảng mười tám, hai mươi tuổi, hắn hăng như con bò đực ngứa sừng, còn nhỏ bạn giống như cô bé chăn bò, lẽo đẽo cầm roi theo hắn suốt ngày và có khi cả đêm nữa. Nàng theo hắn để làm "chim xanh" cho hắn, tò tõ ngồi nghe hắn bốc phét với mấy đứa con gái khác trong thôn. Rồi vài năm sau, nàng theo ba mẹ đi làm ăn xa. Đêm cuối trước khi xa quê, nàng vẫn còn là cái đuôi của hắn, mà hắn "ruột vẫn để ngoài rốn", chẳng để ý một tí ti gì nỗi niềm nhỏ bạn. Khi sắp rẽ vào nhà, nhỏ bạn hình như rưng rưng thốt được vài câu nghèn nghẹn: "Em... đi nhen... anh ở nhà... mạnh giỏi...". Hắn ậm à: "Ừa, em đi! Nhớ thư cho anh!". Nói xong, như thường lệ, miệng hắn huýt sáo, trong đầu lại nhớ ngay cô gái vừa mới tán tỉnh làng trên.
       Đâu rồi nhỏ bạn ngày nào? Trước mặt hắn là một cô nàng khác hẳn hoàn toàn với sự hình dung của hắn hiện giờ và trí nhớ trước kia. Phải đợi gã bạn nhắc tên nàng, gã mới ớ nhớ ra. Hắn chợt nhớ đến vợ hắn. Cũng xấp xỉ sồn sồn tuổi mà vợ hắn như trái chín háp. Còn nhỏ bạn ngày nào, giờ đây, sao mà mọng mẩy như trái đầu mùa thế này và sang trọng, quí phái nữa chứ! Chân tay hắn lúng ta, lúng túng, người hắn cứng đơ... Khi gã bạn dắt vợ mới cưới vào buồng cô dâu, chú rể thì nàng cũng nắm tay kéo hắn rời đám cưới, lòng vòng thăm hết nhà này tới nhà nọ trong xóm. Hắn muốn mời nàng về nhà hắn, nhưng liền tắt ngay ý nghĩ. Có lẽ hắn ngại, ngại vì hắn không muốn nhỏ bạn nhìn thấy căn nhà tềnh toàng, cái ngực teo tóp của vợ hắn hay sao đó! Loanh quanh gần hết buổi chiều, hắn đưa nàng ra bờ sông, ngồi trên triền cát trắng phau. Hoàng hôn rớt xuống mặt sông đỏ ói. Hắn thấy nàng bồi hồi lặng ngắm dòng sông quê mà bao nhiêu năm qua có lẽ in sâu vào nỗi nhớ của nàng...
      Rồi hắn hỏi đủ thứ chuyện về nhỏ bạn. Nàng chỉ kể sơ sài đoạn đời từ ngày xa quê, bước chân ra thành phố, chuyện làm ăn, kinh doanh, buôn bán, lấy anh chồng lớn hơn giáp rưỡi, đẻ hai đứa con... "Lão chồng" nay đây, mai đó, hết đi nước này, mai nước nọ, sáng kẹp cô thư ký này, chiều kè kè em "đối tác" làm ăn khác... Chuyện nhà, chuyện công ty, chuyên nợ nần gì gi đó, giờ một mình nàng phải gánh gồng. Nàng cười buồn, ánh hoàng hôn soi vẫn thấy lờ mờ  nếp nhăn lộ bên khóe mắt. Trời chạng vạng, rồi sập tối lúc nào không biết... "Em khổ lắm anh! Giá như ngày xưa...". Hắn mơ hồ thấy giọng nàng thấm trên vai ươn ướt giọt nước mắt. Hắn thốt lên, chẳng chút nghĩ ngợi gì, cốt an ủi: "Thì em quẳng bớt đi cho nhẹ gánh. Như anh ở quê đây này! Chẳng có gì để lo! Khỏe re!". Mặt nàng chợt rời vai hắn, giọng nàng khẽ reo: "Ôi! Vậy mà em nghĩ không ra...". Đêm đó, bên bờ sông, hắn vẫn là con bò đực tuy già, nhưng nhỏ bạn ngày nào không còn phải lẽo đẽo đi theo chăn dắt hắn nữa...
       Sáng hôm sau, nàng rời quê, trở lại cái thành phố xa xôi mà hắn chỉ thấy trên ti-vi, chưa hề đặt chân đến bao giờ. Nàng gửi lại cho hắn một chiếc điện thoại "để tụi mình ngày nào cũng gặp". Thế là, hắn thập thò lén vợ "ngày nào cũng gặp" nàng. Hắn nhớ, hắn mong, hắn a-lô. Nếu không nghe được lời nàng, hắn đâm ra bồn chồn, thấp thỏm không yên. Hắn nhìn dáng vợ gầy gầy lùa đàn vịt trên đồng khô hạn lại càng thấy lòng mình như xé ra nhiều mảnh. Hắn tưởng tượng, lúc này, ở chốn phồn hoa kia, nàng "vui vẻ", "nồng say" trong men rượu, trong vòng tay... Hắn không dám nghĩ tiếp...
         Một chiều, hắn ngả mình trên triền cát bờ sông, nơi hắn và nàng gặp nhau hơn nửa năm trước, hắn nghe tiếng nàng qua điện thoại: "Anh ơi! Nghe lời anh, em "quẳng" nhiều mối lo rồi! Bây giờ nhẹ cả người đó anh! Em sắp hết khổ rồi!". Hắn sực nhớ lời mình vô tình nói với nàng ngày nào cũng tại nơi này...
        Mấy tháng sau hắn vẫn "gặp nàng" qua điện thoại. Nhưng nàng a-lô lại thưa hơn, ít cháy bỏng hơn. Và hắn lại càng buồn, càng cáu bẳn vô cớ, càng xa vắng hơn với thế giới quanh hắn...
        ... Thằng bạn hắn đến nhà nhậu với hắn trong lúc vợ hắn không có nhà. Hắn uống nhiều và càng buồn bã, không một lời nào nói cho ra hồn. Thằng bạn hắn săm xoi kỹ ánh mắt, nét mặt của hắn, dò la từng câu của hắn. Rồi gã bạn hắn cười cười, "đẩy" cho hắn thêm xị đế nữa. Hắn chịu hết nổi, bật thốt: "Em khổ lắm anh!". "Khổ cái gì?". Sần sần, chẳng ngại gì sất, hắn tuôn ra chuyện hắn và nàng. Gã bạn hắn nghe xong, đăm chiêu suy nghĩ một hồi, rồi vỗ mạnh vào vai hắn: "Mầy thấy người ta gánh nặng, mầy bảo người ta quẳng bớt đi cho nhẹ, dễ đi, bớt mệt. Người ta quẳng rồi thì mầy lại nhặt, đeo thêm vào người!". Hắn ngớ người, đặt mạnh ly rượu xuống mâm kêu cái "rổn". "A!". Hắn bật giọng, la một tiếng, không biết do lời gã bạn hắn mới nói, hay hắn vừa thấy vợ hắn đạp xe về tới cổng ngõ, phía sau chở một bao gì đó thật nặng...