Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Truyện ngắn: CHUYỆN TÌNH MARKETING


            Vào! Ngại ngùng chi nữa Sơn ơi! Hơn một ngày cùng chuyến tàu vượt non nghìn cây số, lại thêm mấy giờ lần mò dò hỏi cho ra cái hãng bia X, giờ đây, đứng trước cổng hãng, Sơn quên hết mệt nhọc. Nhưng lại bỗng thấy ngơm ngớp, nôn nao lẫn lộn.
            Phòng trực cổng sang trọng ghê quá. Đón Sơn, là một nụ cười marketing vừa vặn sẵn trên môi của gã trai áng chừng trạc tuổi anh. Gã bận bộ đồng phục, có in logo của hãng, trông thật là công nghiệp. Cái bắt tay hơi điệu của gã như có luồng điện làm tan biến đi chút e dè, thon thót sợ mỗi khi anh có việc đến công sở.
            “ Mời anh!”. Gã hơi nghiêng người, khoát nhẹ tay hướng anh đến bộ sa-lông to kềnh đặt giữa phòng, cứ như Sơn là một vị thượng khách. Sơn rụt rè ngồi ghé mép ghế. Còn gã thì quay trái, nhanh như chớp mở tủ kính, nhón hai chiếc cốc in logo hãng, đoạn bấm vào cái nút nhỏ lắp kín đáo trên chiếc bàn kính trước mặt Sơn, rồi hứng cốc vào cái vòi sáng loáng, chạm khắc cầu kì nhô lên trên mặt bàn hơn gang tay. Tức khắc, từ chiếc vòi phun ra một luồng nước sủi bọt, vàng óng và ngừng phun khi vòng cầu bọt dâng đầy miệng cốc, không hề nhiểu ra dù chỉ một hạt. Gã đặt cốc bia trước mặt Sơn: “Mời anh!”. Sơn lúng búng cảm ơn rồi nhón nâng cốc bia, và bỗng dưng tiếng nàng thoảng đâu đây. “Uống bia cũng cần phải giống như người đi bộ ngắm cảnh đẹp…”. Thế là, thay vì ực một hơi cho đỡ khát, Sơn lại nhấp từng ngụm, từng ngụm.
            “Thưa…chẳng hay anh đến hãng có việc gì ạ?”… Sơn đưa mu tay chùi bọt bia dính ngang mép, cố nén hồi hộp nhưng giọng vẫn lắp bắp: “Tôi…tôi tìm một người quen! À…mình từ ngoài Trung mới vào…”. “Vậy hả! – Gã ngạc nhiên – vậy…anh tìm ai?”. Ngần ngừ vài giây, Sơn đáp: “Phượng! Cô Phượng làm ở hãng ta ấy mà…”. “Vậy à! Có phải Phượng phó phòng marketing không?”. Phó, trưởng hay giám đốc gì gì đó đi nữa thì anh cũng chẳng biết. Nhưng lọt vào tai anh mấy tiếng merketing thì chắc là Phượng – của anh rồi! “Đúng là Phượng marketing ấy đấy!”. “Anh chờ một chút nhé! À, anh tên gì ạ?”. “Sơn!”. Anh định gán thêm cái công việc mà nàng đã biết tường tận nhưng thôi. Gã nhấc phone, tay lướt số. “Tôi là Thanh, phòng trực, xin lỗi cho tôi gặp Phượng!”. Cái cười phi marketing của gã khiến tim Sơn như muốn bật ra khỏi ngực. “Phượng hả? Có người cần gặp…à, tên Sơn…cao ráo, đẹp trai…từ ngoài Trung mới vào đây. Đang ở phòng trực. Ơ! Phượng…sao vậy? Ủa? H-ả? Không quen, không biết à?! Thật vậy sao?!”. Tim Sơn như thót vào khi nghe gã vừa hỏi vặn, vừa liếc qua Sơn vẻ ái ngại. “Cái gì? Nói rõ nghe coi! A! Á!!Ả?! à…à…! Hiểu rồi! Nhưng…được…được! Vậy nhé!”.
            Gã gác phone rồi gãi gãi đầu: “Anh Sơn à! Rất tiếc… Phượng nói là không hề quen biết ai tên Sơn tận tít mù miền Trung…”. “Hả?! – Sơn lập bập – Phượng…Phượng nói sao??”. Gã cắt gọn: “Phượng nói không hề quen biết anh!”. “Ui! Không có chuyện đó đâu! Hay là…anh nhầm…cô Phượng nào khác?”. Gã cười cười, cái cười của gã chẳng khác nào như mũi kim chọc người Sơn. “Hãng chỉ có  hai Phượng. Ngoài Phượng marketing, còn có một Phượng nữa nhưng chị này có cô con gái học đến lớp 10 rồi đấy!”. Tận hưởng vẻ mặt ỉu xìu của Sơn, gã nảy ra một ý: “Hay là…anh thử phone thẳng cho Phượng…!”. Sơn vớ ngay phone. “Phòng marketing hãng X đây!”. Rõ giọng nói không phải nàng. “Tôi là Sơn. Chị làm ơn cho tôi gặp Phượng marketing!”. “Dạ! Xin chờ một chút!!”. Lục cục rồi im bặt. Nửa phút…rồi một phút. Hình như có bàn tay ai đó bịt chặt phone. Chợt ùa vào tai Sơn tiếng cười nói nhộn nhạo. “Anh Sơn ơi! Rất tiếc là Phượng vừa nhận một việc mới…đang chuẩn bị đi. Phượng có nhắn…”. “Nhắn gì ạ?”. “Nhắn là…Phượng chẳng biết ai ở ngoài đó cả. Nếu có cũng quên sạch rồi…”. Ôi, giọng cô gái trả lời mượt thế mà lọt vào tai Sơn như xé nửa đầu. “Thế nào?!”…
            Phải đến năm phút Sơn mới gượng gạo nói được: “Cám ơn! Tôi về đây!”. Gã chộp hỏi: “Anh…anh đi đâu?”. “Về!”. “Sao vội thế?”. Sơn mím môi, gật. “Nản sớm vậy à?”. Tự dưng anh thấy ghét cái nụ cười marketing của gã.
            Không đợi Sơn khuất hẳn sau khung cửa rộng, gã đã nhấc phone.
            Có thể nào…đây là lần cuối cùng để anh ngước lên ngó cơ ngơi của hãng? Mới đó không đầy mười phút mà những oi cửa kính màu khói trải dài tới trăm thước kia sao lạnh lùng, ngạo nghễ! Chợt anh cúi xuống dòm chân mình. Ơ…sao mình bỗng nhỏ nhoi, lạc lõng và nhếch nhác thế này? Và Phượng…thôi rồi…đúng rồi! Ô...hô!
            …Anh cắm cúi gần như lao người trên hè phố. Nắng phương nam rát cả mặt mày. Đi một hồi anh thấy người mệt đứ đừ. Phía trước là khuôn viên nhỏ nằm giữa ngã tư đường. Nghỉ một chút rồi tính sau. Sơn gần ném người trên chiếc ghế đá gần nhất. Không đầy nửa phút, hai cô gái cũng vừa đến. Sơn hờ hững lướt mắt nhìn qua. Chà! Con gái thành phố…
            Hai chiếc áo phun cùng một màu, ngắn ngủn, bó sát vào hai thân hình thon thả như được đúc ra từ một khuôn. Khoảng nối giữa áo với hai chiếc quần jean lấp ló khoanh da thịt trắng ngần khiến Sơn không dám liếc nhìn thêm lần nữa. Chỉ khác là cô này tóc dài, cô kia tóc tém. Tóc dài gỡ đôi kính râm hơi điệu: “Nào, nghỉ chứ! Mệt đứt cả hơi”. Tóc tém thở hào hển, gật ngay. Lọt qua chiếc khẩu trang bịt gần kín mặt là giọng nói ghé vào nghỉ một chút nhé!”. Nghe ra, Sơn nhích mông hẳn qua một bên. Tức thời hai nàng sà xuống ghế. Tiếng xuýt xoa: “Ui! Rão cả chân! Tại…chị đó!”. “Ứ…ư!”. Sơn xoay lưng hẳn về phía họ, chiếc túi xách vãi dưới chân ghế. “Anh ơi? Anh ơi!”. Nghe gọi, Sơn ngoảnhlại, mắt ngơ ngác. “Túi xách của anh phải không?”. “?!”.
            Tóc dài cuối xuống, nhặt lên, phủi bụi rồi trao túi xách cho anh: “Anh giữ lấy…”. “Cảm ơn!”. Chà, sao mà tử tế, à, người thành phố mà…
            Phượng ơi! Sao chóng quên, chóng đổi màu thế! Vậy mà mình cất công vượt nghìn cây số để rồi nhận một cú tát nảy đom đóm… Sau lưng Sơn, hai cô nàng đang chụm đầu to nhỏ về chuyện gì đó. Ờ, con gái mà, không thiếu chuyện để nói.
            Mười lăm…rồi hai mươi phút qua đi. Ngực Sơn khi thì nhói buốt như kim đâm, khi thì tức tối như bị đè. Loáng thoáng tiếng cô nào đó hỏi “…mấy giờ tàu chạy…”. “…bốn giờ chiều…”. “Mấy giờ bán vé?”. “Trước ba giờ…”. Sơn dỏng tai, ngoảnh qua: “…ờ…cô…à chị…vừa nói tàu chạy đó phải không ạ?”. Hình như có vẻ đợi sẵn hay sao mà mới nghe chưa hết câu, ánh mắt Tóc dài liền quấn ngay vào mắt anh. “Dạ! Tàu chạy ra Bắc…”. “Thế mấy giờ…?”. “Bốn giờ! Anh cũng đi à?”. “Ừa! Nhưng đến ga A thôi!”.
            Tóc dài reo lên vẻ mừng rỡ: “Ô! Tôi cũng dừng ở ga ấy!” Sơn thờ ơ “Vậy à… Cả hai chị chứ?”. Tóc dài gỡ khẩu trang khỏi mặt, rồi nở nụ cười mà giá như không phải lúc này, hoặc trước khi gặp Phượng thì đầu Sơn hẳn đã choáng váng. “Nhỏ này chỉ tiễn chân thôi! Còn em về ăn Tết!”. Ngừng vài giây, mắt Tóc dài lại chập vào mắt Sơn. “Anh…cũng sắp ra ga chứ?”. Tự nhiên trong Sơn nhói đau ly biệt. “Ừa!” – anh đáp nhỏ, giọng có gì xót xa, trống vắng. Tóc dài quay qua bạn: “Đi thôi! Cho kịp giờ mua vé…”. Tóc tém gật đầu nhưng ánh mắt kín đáo liếc qua Sơn. Rồi lần lượt cả hai đứng lên, tay xách túi, vẻ dứt khoát.
            Sơn uể oải theo chân hai cô gái rời công viên. Họ băng qua đường rồi dừng lại trước trạm xe buýt. Năm phút sau…có chuyến xe đậu lại. Tóc dài gấp gáp dặn dò, hoặc chút tụng gì đó với Tóc tém, rồi khoát tay ra dấu cho Sơn: “Nào! Lên xe!”. Anh lập bập bước lên, không quên vẫy tay tạm biệt Tóc tém…

*
*        *

            Tóc dài lướt mắt qua chiếc vé Sơn cầm rồi reo lên: “Ôi, chúng ta ngồi chung một băng ghế đấy!”. “Vậy à!”. Rời phòng vé, Sơn theo chân Tóc dài vapf phòng đợi. Còn một giờ nữa tàu mới chạy. Hành khách lục tục đến mới non nửa phòng. Quả là Tóc dài quá thành thạo nơi này. Ngay cả việc chọn chỗ ngồi, cô cũng chọn nơi khá yên tĩnh, chỉ thích hợp cho đôi lứa đang yêu. Tóc dài xởi lởi: “Anh ơi! Em tên Thúy. Còn anh?”. “Tôi…tôi tên Sơn!”. “Ôi, trưa quá rồi, anh Sơn ăn gì đó với em cho vui nhé!”. Sơn chẳng thấy đói và cũng khó mà nuốt trôi trong lúc này. Nhưng trước cái nhìn gần như là một lời mời thành thực của Tóc dài, à Thúy, anh miễn cưỡng gật đầu: “Nhưng…”. Thúy bật cười: “…đừng nhưng nữa! Đến sẩm tối, nhà tàu mới dọn bữa chiều đấy!”. Nói xong, cô thoăn thoắt đến bên quầy gọi món ăn trưa.
            Chừng nửa phút…người phục vụ mang thức ăn đặt xuống bàn. “Anh chị có uống gì không ạ?”. Tóc dài liếc qua
Sơn: “Có chứ! Cho vài chai bia X!” dường như có một cái gì đó hơi khác lạ vượt qua mặt Sơn. “À, xin lỗi hay là…anh Sơn dùng loại khác?”. Rồi cô hỏi nhanh, rõ giọng hơi lém: “Anh không thích X à?”. Anh ngẩng lên và chợt có cảm giác khó chịu, trộn với một điều gì như là có lỗi khi thấy người phục vụ đang chôn chân chờ một lời phán của anh. “Anh cho bia X cũng được”. “Cám ơn!” lại thêm một cái cười marketing…
            … “Sao anh ăn ít vậy?”. “À…tôi không đói…”. “Em cũng xong rồi! Ta uống chứ?”. Lại một tia sững sờ lướt qua Sơn khi anh cảm nhận được cái giọng rủ rê, khích bác cyar cô gái săp là bạn đồng hành. Rồi bất chợt trong vài giây, chẳng hiểu sao trong anh hiện rõ mồn một nào gương mặt, đôi mắt và cả nụ cười phi marketing của Phượng. Anh vội lắc đầu, cố xua hình ảnh vừa hiện để rồi lấp vào đó là gương mặt, đôi mắt nhang nhác giống Phượng nhưng “khêu gợi”, mời mọc làm sao ấy. “Được thôi! Nào, chạm nhé!”. Ly thứ nhất…Sơn nốc cạn một hơi, chẳng cần biết Tóc dài nghĩ gì mà cứ chăm chắm xói vào mắt anh, như dò xét một việc gì đó. Ly thứ hai tiếp tục trôi tuột… Đến  ly thứ sáu anh nghe văng vẳng giọng Tóc  dài: “…đến ga A rồi anh về huyện nào?”. Sơn đáp gọn lỏn tn huyện. “Ở đó có gì đáng nói hoặc đi xa để nhớ không?”. “Chẳng có gì ngoài núi đồi, cát trắng…”. Anh định hỏi thêm cô cũng ở trong tỉnh mà sao không biết, nhưng cô đã chận anh bằng ly thứ bảy, kèm theo một câu hỏi: “Anh đi làm hay còn đi học ở trong này?”. “À, đi làm rồi!”. “Làm nghề gì?”. “À, cũng làng nhàng…”. Mắt Sơn mờ đi, tâm trí bỗng dưng lơ mơ tận đâu đâu… Ôi, nghề với ngỗng! Cái nghề mà một buổi chiều…
            … Ừa, đúng rồi! Buổi chiều đó…lất phất mưa phùn, căm căm gió buốt vào hồn Sơn. Trong cái căn phòng bé tẹo gọi là ‘Thư viện’ cho oai, Sơn là bạn đọc duy nhất nhưng cũng kiêm luôn thủ thư. Anh ngán ngẫm nhìn lại chục nghìn cuốn sách đã xập xệ xế bóng, phủ lớp bụi dày; dăm chiếc bàn ọp ẹp, cũ kĩ và tất cả những thứ có thể dùng được trông mới thảm hại làm sao. Đã năm ngày rồi mà anh vẫn chưa biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu ngoài việc quét dọn sơ qua phòn ốc.
            Ngoài trời giăng đầy mây xám và mưa phùn lất phất, gió bấc căm căm. Anh úp mặt vào lòng bàn tay, mắt cay cay. Giữa lúc ấy có tiếng gọi khe khẽ: “Anh ơi! Anh gì đó ơi!”. Sơn giật thót, ngước lên, đưa tay dụi mắt. Chẳng biết từ lúc nào hiện ra trước mặt anh một cô gái lạ. Cô mỉm cười như tỏ ý xin lỗi cho sự đường đột vừa rồi. “Anh ơi! Cho tôi hỏi: Có phải đây là thư  viện không ạ?. Giọng cô nhẹ và êm, hơi khác giọng nằng nặng, chân chất xứ này. “Phải”. “Úi a!”. Cô gái đảo mắt nhìn quanh và Sơn chợt nghĩ rằng cô vừa rơi từ trên trời xuống. Cô kín đáo lướt qua lần nữa rồi dừng lại ở ô cửa. Qua ô cửa này cô tò mò ngó vào trong và phát hiện ra kho sách. “À, đúng là thư viện thật!”. Cô quay qua Sơn hỏi nhỏ: “Anh ơi! Cho tôi hỏi…chị thủ thư đâu ạ?”. Sơn ngượng chín người. “À! Chắc vừa đi đâu đó…”. Không hiểu sao anh lại nẻ ra một câu nói dối trơn tru. “Thế…có mượn sách được không ạ?”. Sơn ngắc ngứ chẳng biết trả lời như thế nào cho phải, vì từ bữa nhận cái ‘chức’ thủ thư đến giờ, anh chưa gặp ‘tình huống’ như thế này. “À…chắc được…nhưng…”. Cô gái nhẹ tay vén những sợi tóc mai ra sau vành tai. Chà, mái tóc mới ngắn làm sao; và làn da như hồng lên trong chiều giá lạnh, khiến căn phòng sáng và ấm lên chút ít. “Cô mượn sách gì?”- Anh định hỏi nhưng khựng lại và thay vào bằng một câu khác cho hợp với lời nói  dối trên: “Cô…cũng thích đọc sách à?”. Lại thêm một chút ngỡ ngàng trên mắt cô gái. Đúng hơn là cảm giác bị xúc phạm. Nhưng chỉ vài khoảnh khắc rồi nụ cười nở mới tươi tắn làm sao: “Thế còn anh? Anh cũng thích đọc sách chứ?”. “Tôi…?”- Sơn ngớ người.
            Lúc này nàng vở lảng cái nhìn sang nơi khác để mình bớt rối hơn. “Anh  à, tôi đang cần một cuốn sách nói về marketing. Chẳng biết thư viện này có không?”. Ối trời! Marketing! Marketing là cái quái gì thế? Chỉ có mà…ra Ma! Sơn lắc đầu: “Không có!”. “Chắc không anh? Hay là anh tìm thử…”. “Đã nói là không có mà tìm làm gì…”. Cô gái bật cười: “Đúng anh là “chị” thủ thư rồi!”. “Ơ…!!!”. Cô chuyển giọng rất nhanh: “Thư viện này có cuốn tiểu thuyết “Love story”, à “Chuyện tình” ấy mà…không anh?”. “Cũng chẳng biết có hay không nữa?”. Lần này tới lượt cô gái ngạc nhiên. Sơn cuối xuống, ngón tay miết nhẹ mấy vồng tròn trên bàn: “…tôi cũng mới nhận việc có mấy ngày -  anh ngẩng lên nhìn cô, giọng cũng thành thực – và cô là người đầu tiên đến thư viện này đấy!”. Đến lượt cô gái “ơ” lên một tiếng, rồi mỉm cười, vẻ thích thú. “Còn cuốn…à, “Chuyện tình” – tính – tinh gì đấy, cô thử tìm tỏng tủ thư mục xem có không?”. “Tủ này à?”. “Ừa!”. “Úi da! Anh coi nó muốn ngã đấy!”. “Chưa đâu!”. Anh lại gần, chỉ cho cô xem mấy ô mục lục ố mờ, mùi hăng hắc. “Ô này dành cho sách văn học à?”. “Để coi…à, đúng rồi!”. Cô gái thò tay nắm núm hộc gỗ kéo nhẹ, nhưng mép hộc lại bij kẹt dính nên cô dùng sức nhiều hơn. Khi cái hộc gỗ tòi ra chừng gang tay, cô bỗng hét lên: “á…..!!!!”. Sơn giật thoát, quay qua và kịp thấy một con chuột đang ló đầu sắp vọt. Lại một tiếng “á!!” nữa và cô gái hoảng hốt bấu víu lấy tay anh trước khi con chuột phóng thẳng vào người cô, rồi rơi xuống nền, chạy tóe vào ngạch cửa. Đến vài giây mà cô vẫn còn cứng đờ, da mặt tái đi. Anh phì cười: “À, con chuột ây mà…”. Cô gái bớt sợ rồi rụt nhanh tay, lùi ra một chút, da mặt bỗng dưng hồng lên. “Anh…bắt dùm con chuột cho tôi đi…”. “Hả?!”. “À, để tôi hỏi nó có tên cuốn “Love story” trong ô mục không thôi mà…?!”.
            … “Anh Sơn! Nào chạm ly…!”. Cũng ly bia rót đầy có ngọn, không nhểu một giọt, sao nhẹ lâng thế này. “Ừa, Tóc dài ơi, uống thì uống! Uống để mà quên đây, bạn ạ! Ờ, sao mà quên, mấy bữa sau đó …
            … “Này, hết giờ rồi! Đóng cửa “đền” được chứ, ông “từ”?”. Cậu bạn thân đập vai anh bảo. “Ừa, cũng sắp đóng cửa “đền” đây! Nhưng sau đó…” “Đơn giản thôi! Tìm một xó nào đó, uống vài li để tiễn một tuần mà với cậu thì…” “…tẻ nhạt…à, không, không đến nỗi…”. Sơn chợt nhớ cô “bạn đọc” đầu tiên… Loanh hoanh mãi rồi dong duổi sao họ lại đến một cửa hàng Ý được tiếng trội hơn cả trong cái huyện còn  nghèo rớt mồng tơi.
            Cả hai vừa kéo ghế ngồi thì có ngay một cô gái đến. Sơn ngẩn lên liền chạm ngay ánh mắt cô gái. Cả hai cùng “ơ” lên một tiếng. Ôi trời, cô “bạn đọc” đầu tiên của anh giờ đang vận một bộ trang phục của hãng bia X. Cũng có nghĩa là… Rồi có một thứ cảm giác nào đó nửa cho sự hồ hởi, nửa cho sự thất vọng trộn lẫn. “Anh ơi, việc tôi nhờ, anh đã làm chưa?”. “?!”. Cô nhoẻn miệng cười: “Bắt giùm con chuột ấy mà…”. Cậu bạn trợn mắt: “Hả! Chuột! Chuột gì thế?”. “À, chuột gặm sách ấy! Nhưng mà thôi! Hôm nay…có hai anh đến, tôi xin đại diện hãng bia X mời các anh nếm thử mẻ bia hãng vừa thay đổi cho hợp với khẩu vị ngoài này…” “Ồ! Cô biến bọn tôi thành vật ‘thí nghiệm” của hãng X?”. Cô cười, nụ cười hết sức thân thiện: “Hai anh đồng ý chứ?”. “Được! Nhưng lỡ xảy ra điều gì thì mắc đền cô đó…” “Được! Nhưng chỉ một trong hai anh thôi”. Lúc đó có vài vị khách mới bước vào. Cô quày quả quay ra đón khách. “Này! Cô bé cũng vừa kháu đấy chứ! Hình như không phải là người xứ mình?”. “Ừa!” – Sơn đáp. “Này! “Hít” nhau lâu chưa?”. Sơn cười: “Bạn đọc đầu tiên đến thư viện, nếu không tính đến cậu!”. “Gớm thật!”.
            Nửa phút sau cô đến và nhẹ tay đặt lên bàn hai ly bia vàng ánh như mật, kèm theo hai tờ giấy in sẵn. “Hai anh cứ việc thưởng thức rồi đánh dấu cảm nhận riêng của từng người vào từng ô sẵn này nhé.”. Cả hai cùng ngó vào tờ giấy. Chà, trắc nghiệm à! Nào nồng độ, hương vị, độ chát… “Nào, mời các anh!” - ối chà, giọng cô nhẹ như mưa phùn lất phất như mưa phùn ngoài kia.  Phải đến ba, bồn lần tợp, ly bia mới cạn. “Sao, ghi chứ?”. “Ừa. Cứ phệt vào!”. Lượt bia thứ hai…màu bia vàng óng ra. Lượt li thứ năm…dường như có màu nắng chiều rớt xuống rồi đọng trong ly.  Đến lượt li thứ bảy…vừa đặt lên bàn thì đâu từ phía sau lưng Sơn phun ra một giọng ồ ề như ngạt mũi: “Hà! Vui quá! Rõ là cô em không công bằng một chút nào!”. “Dạ?!”. Nhìn thoáng qua bảng quang phổ hiện rõ ràng trên mặt vị khách khoảng trên 40 tuổi, Sơn áng chừng vị này “cưa” đứt không dưới nửa thùng bia hãng X. “…Chỗ thì cô em nâng mời tận miệng, chỗ thì cô em chẳng léo qua dù chớp nửa con một con mắt!”. “Dạ…! Xin lỗi…!”. “Khỏi cần “dạ, thưa” hay xin lỗi gì ráo! Chỉ cần cô em đảo qua, rót một ly, rồi chạm đôi môi xinh đẹp vào…là…bọn anh… “chơi” lun vài thùng!”. “Dạ!!”. “Lại ‘dạ…dạ’, nào lại đây!!!”. Vừa nói vị khách liền quờ chộp ngay tay cô gái. “Úi! Bỏ tay tôi ra!”. “Hà…hà…! Ôi…bàn tay ngọc ngà, quý phái làm sao! Tay này mà làm cái việc 3B, à, bê-bưng-bỏ thật uổng phí! Bỏ quách cái việc này đi, đến chỗ anh, làm thư kí riêng cho anh…tốt gấp chục lần…”. “Anh bỏ tay tôi ra!!!”. “Cô càng giận dữ anh càng thấy đẹp. Nào! Đến chỗ anh đi… Cưng muốn gì anh cũng nhìu nấy!”. Cô vùng mạnh tay nhưng khó thoát khỏi bàn tay nắm như gọng kiềm của vị khách. Sơn đứng lên: “Này anh! Anh say rồi đó”. “Hử?! Chú mầy…ngứa cổ gáy bảo ta say à? À, ừ! Anh mày say đấy! Nhưng say đóa hoa từ trong đó lạc ra ngoài này…này!”. Sơn dịu giọng: “Anh à, rõ thiệt là anh chưa say. Anh bỏ tay cô ấy ra, rồi ngồi với mấy đứa em rồi uống cho thật say. Cô ấy sẽ mời anh!”. “Cũng được! Nhưng phải cược cái gì để uống cho “khí thế” chứ!”. “Xin mời!”. “Nếu anh mày “bật” trước thì anh mày sẽ trả tiền gấp ba. Đương nhiên là hai phần dành boa cho em nó. Nếu chú m gục trước ta…” “à…” – Sơn định nói gì “thì cũng như ông anh” thì cô gái vội ngắt lời: “Thì ông anh được quyền hôn vào má tôi…một cái”. Giọng cô tỉnh bơ nhưng để ý kĩ vẫn có cái rùng mình. “Hở?! Ha…ha! Được! Được! Nào, mang ra đây một thùng X!”.
            Lon đầu tiên…ôi, sao bộ mặt của ông anh hợm thế?! Lon thứ hai…ơ, sao lại nhìn anh đăm đăm như là… Lon thứ tư…anh sẽ gắng…sẽ gắng mà…! Lon thứ sáu…đấy, em thấy chưa…mắt em nhìn anh có sức mạnh vô hình nào đó. “Rầm!!!”. Trí nhớ Sơn mờ dần, mờ dần nhưng cũng đủ nhận biết rằng ông anh vừa phụp xuống bàn, khiến chiếc bàn lệch hẳn, đổ kềnh làm tungg tóe mọi thứ đặt trên đó.

 *
*        *

            Khoảng tuần sau. Nàng đến. “Em…cám ơn và cũng xin lỗi anh vì chuyện bữa trước!”. “Ồ, có gì đâu mà!”. Cô nở nụ cười khiến lòng Sơn se thắt. Lát sau cô đổi giọng vui vẻ hẳn ra: “Cuốn Love Story không à anh?”. “Tìm mãi chẳng thấy!”. Lúc ấy tự dưng nàng chăm chú ngó từng thứ một trong cái “cơ ngơi” do anh trông coi, rồi đắn đo, định nói mấy lần. Đi đi lại lại mấy vòng rồi cô cũng nói được: “Anh à! Em nói điều nếu không hợp ý anh đừng trách!”.  “?!”. “Cần phải làm điều gì đó để thư viện cho ra thư viện”. Ánh mắt của nàng thật lạ: cứ như là người nhen nhóm, thổi bùng ngọn lửa trong anh. Cô nói thêm: “Em còn ở đây vài tháng nữa. Anh cần gì như mấy việc bưng bê em sẽ giúp…”. “Thiệt chứ?”. “Dạ!”. “Nhưn…bắt đầu từ đâu mới được?”. “Sao lại hỏi em?”. “Được rồi! Ngày mai bắt đầu làm lại mọi thứ… Nhưng làm thế nào để có người lui đến?”. “Anh phải chịu khó tập và trở thành người bán hàng!”. Sơn trố mắt: “Gi?! Bán hàng!?” “Dạ! Bán hàng! Thì đấy…anh để ý coi, từ đấng chí tôn đến người dân thường, hiếm có ai không “bán” một cái gì đó mà vẫn sống? Nên phải tập mua bán chứ?”. “Úi chà! Nghe cũng có lí!”. Giọng nàng lúc ấy sao mà hăng hái thế: “Để có hàng bán được, à, để có bạn đọc đến mượn sách báo, anh phải tập trung cho 4P (Place: vị trí; Price: Giá cả; Puliceze: Quảng cáo; Profesion: chuyên nghiệp, nhà nghề)”. “4…P?! Là…cái gì??”. “Là cẩm nan để bán được hàng…!”. “Chà! Nói thử xem…”. Cô giảng giải một hồi, ừa nhỉ, xem ra cũng hay hay ấy chứ. “Xin cảm ơn cô giáo đã dạy…nhưng đến giờ vẫn chưa biết tên…”. Cô giáo bật cười: “Cô giáo…tên Phượng”. Chợt nghĩ ra cái gì, Sơn vờ nghiêm nét mặt: “Để xó này trở thành thư viện thì phải cần đến 5-chữ-P, chứ không phải là 4 như cô giáo nói dạy”. “?!”.
            Chưa đến một tháng, Sơn đã làm những việc xoay quanh những chứ P. Riêng cái khoảng quảng cáo, chào hàng với anh chẳng mới nhưng ngường ngượng, khó làm. Đang cặm cụi tính toán sổ sách, Sơn thoáng thấy có bóng người bước đến. Một giọng rụt rè, nhừa nhựa: “Anh ơi! Được mượn sách chưa ạ?”. Sẵn bực bội vì cộng trừ mấy lần vẫn không khớp mấy cột số ngang dọc, Sơn cáu: “Chưa!”. “Vậy chừng nào mượn được ạ?”. “Đã nói là chưa biết!”. “Thế cuốn Love Story…”. Kèm sau đó là tiếng cười cố nén, Sơn ngẩng phắt lên: “Ồ! Phượng! Tưởng ai chứ!”. “Ba điểm cho chữ P quảng cáo, chào hàng…”. Rồi nàng ngắm nghía một hồi cơ ngơi của anh. Mọi thứ được sơn phết, sửa sang, làm mới trông khang trang, ngăn nắp hẳn ra. “Được đấy! – nàng khen – còn chữ P cuối cùng…có nên…”. Phượng nguýt dài rồi chợt reo lên: “Mưa gì như rây bột vậy anh?”. “Mưa phùn!”. “Mưa phùn?”. “Phượng chưa thấy bao giờ à?”. “Chưa thì phải. Này anh, ta đi dạo một đoạn chứ?”. “Sơn định nói trước nhưng còn ngại…”. Nàng cười.
            … “Lâu rồi sao không thấy anh lên nhà hàng?”. Phượng dè dặt hỏi. Sơn văng một câu cộc lốc: “Một lần cũng đủ ớn!”. Yên lặng một đoạn đường, Sơn hỏi lại: “Phượng không thấy ớn à?”. Nàng đã nghe nhưng vẫn cắm cúi bước đều. Sơn thấy hối vì lời mình không đúng lúc, đúng chỗ chút nào. Lát sau, giọng Phượng bình thản: “Tạm thời…em cô làm cái việc này…nếu mà thành công thì mỗi sản phẩm hãng bán được và có lãi thì sẽ không cần một đội ngũ chị em làm cái việc 3B rẻ rúng…Anh hiểu cho em chứ!”. “Vâng! Anh hiểu!”. Sơn gật đầu, mắt đăm đăm nhìn Phượng. “Công việc của em cũng sắp kết thúc rồi!”. “…và ngày chia tay không xa nữa…” – Sơn tiếp lời. Nàng ngước lên, ánh mắt bâng khuân như muốn nói điều gì khó cất lên lời. Và trời vẫn rây đều những hột mưa nhẹ bay, bám trắng trên tóc trên mi nàng…
            …Tóc dài buông lời: “ Anh càng uống… Thúy thấy anh càng buồn và càng  đẹp trai hơn…”. “...”. “ Anh đang gặp việc gì buồn phiền phải không?”- Vừa nói cô vừa khẽ vỗ nhẹ vào lưng Sơn. “Hả?”. “Anh đang buồn phải không?”. “Không, không có gì?”. “Đừng giấu nữa! Nhìn qua cũng biết được!”. Tóc dài cười cười rồi chêm cho đầy li bia. “Chuyện nhỏ mà…Buồn chẳng được gì!”. “…”. “Anh Sơn ơi!-Thúy nhích người về phía anh- Anh…thấy em thế nào?”. “…Thế nào là thế nào?”. “Chẳng hạn…em có vui tính không?”. “Có!”. “Dêz tin người không?”. “Không biết!”. “…Và đẹp nữa chứ!”. “Ừa! Đẹp! Cô nào ở thành phố cũng đ-ẹ-p cả!” Tóc dài bật cười: “ có thiệt không! Coi chừng anh lầm!”. “Đúng! Tôi đã lầm…đã lầm…”- Sơn lẩm bẩm.
            …Mới đó mà đông tàn, xuân đến rồi thoắt một cái Sơn đã thấy hàng phượng bên kia đường lấp ló thắp hoa đỏ. “Việc của em…mười ngày nữa là xong”. “Nhanh thế à!” – Sơn kêu lên. Phượng nhẹ nhàng di chuyển ngón tay vào trán anh; “ Gần nửa năm rồi đó!”. Chưa bao giờ Sơn có cảm giác bàng hoàng và hụt hẫng như lúc nghe nàng nói ra  khoảng thời gian nghiệt ngã ấy. “Trước khi đi…em mời anh đến chỗ em làm…cạn với em một ly – loại bia hãng đã điều chỉnh để coi anh thưởng thức, đánh giá ra sao…”. Anh nắn nhẹ tay nàng: “Nhất định rồi! Nhưng thêm hai người nữa!”. “À, anh gì bạn anh! Còn một người…là bạn gái à?”. “Chừng đó biết sau!” – Anh nặn ra một nụ cười nửa chừng. “À, mấy hôm rày thư viện có đông bạn đọc không?”. “Đông phát ngợp!”. “Chắc anh tất bật, vất vả lắm?”. “Thì cũng như Phượng!”. “Nhưng thấy vui chứ?”. ‘Vui! Vui vì chương trình marketing của em đã ra hoa, kết trái! Úi, đau!”.
            … “Hay là…không đi nữa…ở lại…”. Tiếng ai đó khẽ rót vào tai có phải là tiếng của Phượng. Giọng Sơn hơi run: “Em nói sao?”.
            “…ở lại…không đi…”. “Ở lại cái xứ nghèo chỉ có cát trắng, núi cằn, nắng mưa rát mặt này ư?”. Giọng nàng thăn thỉ: “Không! Với những đại lộ thênh thang, nhà cao, phố dài; người, xe dập dìu…”. Sơn ngước qua: “Thúy à?! Thúy…vừa nói phải không?”. “Ở lại đi anh!”.
            … “Phượng à, đây là má anh!”. “Cháu chào bác!”. “Chào cháu!”. “Xong rồi chứ Phượng?”. “Dạ, xong rồi. Giản tiện thôi mà!”. Phượng đưa hai mẹ con Sơn vào một phòng nhỏ, có đặt bàn tiệc sẵn. “Hồi trưa, bác lên lớp về, Son có mời bác”. “Dạ! Mai cháu về trong đó nên làm bữa tiệc nhỏ chia tay ạ!”. Thêm bạn Sơn và vài người nữa… “Mời bác, mời các anh nâng ly loại bia mới nhất hãng vừa xuất ạ!”.
            Chừng hai mươi phút sau, Sơn ghé tai mẹ thầm thì: “Má thấy Phượng… thế nào?”. “Từ từ để má làm quen cái đã…!”. Giọng bà hơi nghiêm. Lát sau, sẵn dịp Phượng đang nói vài câu gì đó với hai cô bạn gái ngồi bên, mẹ Sơn hỏi nhỏ: “Phượng còn học hay đã đi làm rồi?”. “Dạ, đi làm rồi ạ”. “Làm việc gì?”. “Dạ…”. Lúc ấy mọc ra ở cửa vị khách có da mặt quang phổ mà Sơn đã đụng độ nửa năm trước. Ông ta sấn vào giọng oang oang: “Xin chào! Chào các vị! Chào chú em! Hạnh ngộ! Hạnh ngộ!”. Phượng đứng lên, giọng nhỏ nhẹ: “Xin lỗi anh! Hôm nay…”. “…à, hôm nay là dịp để anh trả lễ! Cho anh mày chung bàn cho vui! Nào, cô em! Bưng ra một thùng X, loại mới nhất à nghen…”. “Xin lỗi anh! Hôm nay tôi có việc, hơn nữa tôi cũng hết làm ở đây rồi!”. “Hở?! Cô em không làm tiếp thị…tiếp viên ở nhà hàng này nữa à? Hay quá! Đến công ty anh đi…em mà làm thư ký riêng cho anh ấy hở…”. Phượng trừng mắt nhìn vị khách, Sơn ngước nhanh qua me. Nét mặt bà thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Coi kìa, Phượng đang nở nụ cười sao mà nhã nhặn đến thế dành cho vị khách: “Mời anh…qua bên này thương thảo “việc làm” ạ!”. Vị khách hơi ngớ người nhưng bật cười ha hả rồi theo Phượng rời khỏi bàn tiệc. “Lại là thằng cha ấy…”. Cậu bạn của Sơn rủa xả. Không khí trong bàn lặng đi.
            “Phượng…là tiếp thị…tiếp viên nhà hàng này…hả con?”. “Dạ…là…là nhân viên tiếp thì của hãng bia X thôi mẹ ạ!”. Cậu bạn đứng bật dậy: “Để mình ra giần thằng cha ấy bật gọng một bữa…”. “Ấy cháu! Không nên!”. Mẹ Sơn nghiêm giọng. Chợt bà xem đồng hồ rồi bảo: “Đến giờ bác phải về chuẩn bị bài. Bác cáo lỗi, về trước!”. “Má!”. “Kìa bác!”. “Các cháu cứ vui vẻ! Bác về! – quay qua Sơn – Con nói Phượng…má bận…xin cáo lỗi…!”. Sơn đưa mẹ ra khỏi phòng thì thấy Phượng vội vàng vừa đến. “Kìa bác!...Bác…?!”. “À, bác có việc bận! Xin về trước!”. Bà mỉm cười, một nụ cười lịch sự, xa vắng, Phượng tần ngần dõi theo xa vắng.
            … “Chúng mình trả vé…rồi anh về chỗ em. Anh biết thế nào là overnight chưa?’. “…?”. À , “qua đêm” ấy mà! Láng máng trong tai nghe giọng Tóc dài vỗ về, năn nỉ: “Chúng mình overnight rồi sáng mai em sẽ cùng anh thăm thú nơi này, nơi nọ trong thành phố. Làm thằng con trai mà cứ mãi ru rú ở xứ mình thì đến chán mất!”. “Thúy…Thúy có biết…hiện giờ tôi buồn lắm không…buồn lắm! Tôi…tôi không thiết gì cả…!”.
            Có tiếng loa mời hành khách lên tàu. Phòng đợi vơi người dần. Hình như có tiếng tín hiệu điện thoại đâu đó. À, của Thúy. Cô xin phép ra hành lang trả lời. Sơn nâng ly bia X. Có thể đây là lần cuối cùng anh ngấm say trong hương vị nồng đắng của X…à không, của Phượng. Anh chệnh choạng lại quầy tính tiền. Tóc dài quay vào. “Nào…lên tàu!”. “Không cùng với em…overnight sao?”. “Không!”. “Thôi cũng được! Dù gì mình cũng qua một đêm trên tàu…! Ơ, anh sao vậy? Ôi, xỉn thật rồi!”.

*
*       *

            Khi Sơn mở mắt ra, dần dần tỉnh ngủ thì mới biết đoàn tàu đang vun vút lao vào man đêm. Sơn rụt chân, chống tay ngồi dậy. Người đầu tiên đập vào mắt anh là cô bạn Tóc dài đang ngồi nép sát bên cửa sổ, mũ che gần nửa mặt, lơ mơ ngủ thì phải.
            Sơn cố nhớ nhưng không sao nhớ nổi lúc tính tiền xong rồi sau đó…và làm sao mình lại nằm co trên tàu. Đúng rồi! Tóc dài ơi, nhờ cô đó! Vậy mà…có lúc nghe cô nói…tôi thoáng nghĩ cô không ra gì.
Con tàu lao với tốc độ vừa phải nhưng sao Sơn thấy mình rệu rã, chông chênh và trống vắng đến lạ. Phượng ơi, con tàu đang vạch ra cái gạch nối vô tình mỗi lúc càng dài để đẩy xa những ngày tháng êm dịu của mình về miền quên lãng ấy…
Một giờ trôi qua. Tóc dài vẫn lơ mơ ngủ. Sơn vẫn trân trân nhìn qua khung kính: bên ngoài thỉnh thoảng có ánh đèn lấp lóa, còn lại chỉ có mảng tối đen. Chợt Sơn đứng lên, đưa mắt tìm và thấy ngay chiếc túi của mình nằm gọn trên giá. Anh lấy xuống, kéo khóa, rút ra cuốn sách, xong cất túi lại chỗ cũ.
Cuốn sách mỏng, sờn nhưng được ủi lại trông cũng phẳng phiu. Bìa sách rách nham nhở nhưng vẫn còn nguyên tựa “LOVE STORY”. Sơn úp cuốn sách vào mặt mình một lát, rồi nghiêng người, thò tay mặt đẩy cửa tàu, tay trái cầm cuốn sách định ném qua cửa. “Anh định tặng cuốn sách “Love Story” cho em à?”. Sơn giật thột quay mặt lại nhìn Tóc dài. “Nào! Đưa cho em!”. Anh đẩy trả cửa lại rồi ngồi thụp xuống. Linh cảm điều gì, anh mạnh dạn gỡ chiếc mũ che gần nửa mặt cô gái ra. Mắt anh mở to. Môi mấp máy bật gọi: “Phượng!”.
… Lại một giờ nữa trôi qua. “Phượng ra ngoài ấy lâu dài à?”. “Dạ…”. “Vẫn làm…việc cũ à?”. Cô cười: “Ồ, không! Hãng đã chấp nhận đề án của em!”. “Đề án?!”. “Vâng! Không thể chấp nhận sự lớn mạnh của một hãng…mà hãng đó lại đem đánh đổi những gì thuộc phẩm giá của một con người lợi khí đua tranh…”. “Chà, cứ như sách nói ấy…!”. Cả hai bật cười. Lát sau, Sơn khẽ hỏi mà mặt đỏ lựng: “À, cô bạn…ấy mà! Không biết cô ấy…”. “Thúy hả? Lúc anh xỉn, bạn ấy giao cho em và về rồi!”.
Con tàu lúc này xóa dần gạch nối giữa hai người. “Thế…ra ngoài đó…việc đầu tiên em làm…là gì?”. Nàng ngã đầu vào vai anh: “Thiết lập chi nhánh…”. “Việc thứ hai…?”. “Làm tiếp đợt marketing…”. “Để làm gì?”. Anh hỏi cho có hỏi: “…để má anh hiểu em hơn…!”.



Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Truyện ngắn: THOÁT BẪY


          Lâu lắm rồi, nàng tưởng như quên mất cảm giác hồi hộp của sự chờ đợi. Khi mùa hạ mà nàng coi như lần cuối cùng ấy đi qua, thì gã người yêu học trên nàng mấy khóa cũng vù theo một mụ sồn sồn, tuổi gấp rưỡi gã, vợ của một “đại gia” cỡ bự vừa mới bị ném xuống địa ngục- âm phủ. Thế là hết, mối tình đầu mà nàng dã dâng hiến tất cả, từ hồn lẫn xác. Đúng lúc nàng trèo qua lang cang cầu và chỉ chậm vài giây là nàng sẽ nhảy tõm xuống dòng sông tối đen, thì một chiếc ô tô pha đèn sáng trưng đỗ xịch. Tức khắc, một bóng người lao nhanh ra, nhanh như chớp , chụp vai nàng giật lại. Cửa sau xe mở, một cái đầu nhô lên cau có hỏi: “Cái gì đó”, “Thưa ông , một cô chán sống!”. “Vậy à!Cho lên xe!”. “Ối chà!Chưa rơi xuống sông mà đã xỉu rồi!”. Tay lái xe dìu cô gái, là nàng, mở cửa rồi bế hẳn lên, đặt vào ghế trước, cẩn thận quàng dây bảo hiểm qua người nàng. “Quay xe về!”. Về nhà hay là…”. “Mày không biết hay sao mà còn hỏi?!”. “Dạ! Con biết rồi…”. “Hừ!!!”. “Chà! Cô gái còn trẻ quá ông chủ à!”. “Càng tốt! Mồi non cá dễ cắn câu. Nè, câm như hến đấy!”. Tay lái xe liếc qua nàng. Nàng vẫn rũ rượi trong cơn ngất. “Nhanh lên! Để nó tỉnh trước khi tới nhà  là tao cho ăn tát!”. Tay lái xe lần khần một chút, rồi dận ga….
          ….  Lúc 3 giờ chiều. Nàng nhận tin qua giọng con nhãi “thư ký” của lão khọm, tức là ông chủ của tay lái xe: “Này, nghe đây, ông chủ có việc bay gấp qua Hồng Kông. Ông chủ dặn không được rời cổng nửa bước , rõ chứ!”. Nàng hỏi vội: “Chừng nào ông ấy về ạ?”. “Hỏi làm gì! Đồ gái bao!”. Phôn cúp cái “rụp”. Nàng tê điếng cả người….
          Khoảng non giờ sau, nàng bấm phôn kín đáo hỏi tay lái xe. Xong cú phôn, nét mặt nàng ánh lên một cái gì đó rất lạ, từa tựa như mắt con thú cùng đường tìm thấy lỗ hổng sau tấm lưới săn vây bốn phía… Mười lăm phút sau, nàng lại bấm phôn theo tấm cạc mà gã đàn ông nhét vào tay nàng, cách đây một tuần, trong lúc cả hai cùng nhảy một bài tăng-gô. Dĩ nhiên, gã không quên xin phép lão trước khi dìu nàng ra sàn nhảy. Năm năm trôi qua, vậy mà thoáng gặp, nàng nhận ngay ra gã. Còn gã, gã chẵng nhớ gì sất! Ngần ấy thời gian, biết bao cô gái như nàng đã qua tay gã? Nhờ “bầu vú” của mụ vợ, nàng nói thế, gã cũng được bơm lên hàng “đại gia”, cũng lén lúc lăn lộn tơi bời trong chốn ăn chơi, nhưng hễ về tới nhà là co nhũn, rúc đầu vào xó như con cù lần gã thấy trong sở thú.
          …. Lúc này đã 8giờ tối. Nàng đứng trước gương lần nữa, sửa lại tóc, ngắm vuốt lại áo váy. Trong bộ váy trắng mỏng tanh, toàn thân nàng lồ lộ, thon thả và còn căng cứng lắm! Lão khọm chẳng ngại tốn kém “đầu tư ” nàng đúng mức. Nàng biết trang điểm khéo léo, biết nhảy nhót và nhất là biết nhập vai nhuần nhuyễn. Trong mắt bọn đàn ông lắm tiền, rửng  mỡ, nàng là “cô cháu nuôi” đang học đại học, là cô thư ký mới tuyển, là đứa cháu gái ở quê mới lên thành phố còn lạ nước lạ cái… Nàng chẳng cần nhớ biết bao nhiêu gã đàn ông dại gái ấy đưa cổ vào thòng lọng của lão làm gì. Cứ xong một vụ, lão lại ném nàng trở về ngôi biệt thự quanh năm cửa nẻo đóng kín mít. Ngoài ăn mặc, thỉnh thoảng lão cũng thí cho nàng ít tiền và hy hữu, lão cũng cố lên gân cốt , để rồi tức tối giãy đạp trên giường chửi rủa ầm ĩ. Chỉ vì lão năn nỉ đủ cách mà “nó” cứ ỉu xìu, trông phát ngán….
          Hàng giờ, hàng ngày, qua khung cửa, nàng cháy lên nỗi ước ao là được thoát ra ngoài đường, lần hồi về quê nhà, một thôn nhỏ, lọt thỏm giữa bốn bề chỉ có núi với mây và chỉ còn mẹ già chẳng biết còn sống hay đã chết vì vật vã nhớ đứa con gái duy nhất mất tích mấy năm rồi. Bao đêm nàng khóc sưng vù cả mắt và cũng bao đêm, nàng nung nấu lòng căm thù những gã đàn ông đểu cáng đã hại, đã đẩy đời nàng vào nơi thẳm tối.
          Nàng qua phòng ăn, cẩn thận kiểm tra kỹ những lon bia trong tủ lạnh. Sực nhớ, nàng gói ống tiêm, mấy vỏ chai thuốc nhỏ hơn ngón tay út và đôi găng tay mỏng, tọng vào hố cầu rồi xả nước trôi tuột.
          Có ánh đèn ô-tô pha loang loáng, rồi tiếng còi xe “bin! bin!”. Nén hồi hộp, nàng nhón tay lấy chìa khóa cổng mà thật may lão khọm| “bỏ quên” trong tủ kính từ mấy ngày qua. Nàng loay hoay một lát rồi cũng mở được khóa và đẩy mạnh cánh cổng. Chiếc ô-tô chậm rãi tiến vào sân ngôi biệt thự. Nàng đóng cổng, khóa thật nhanh quay vào…..
          …..“Không ngờ anh giữ đúng lời hứa”. Nàng khoát tay mời gã ngồi trên bộ ghế sa-lon giữa phòng khách sang trọng. “Người đẹp có nhã ý mời, thì dù cách xa nửa vòng trái đất, tôi vẫn vù về ngay!”. Tiếng “hót” của gã chẳng có gì thay đổi. “So với bữa trước, tối nay em đẹp gấp đôi ấy chứ! Khiến anh suýt nữa không nhận ra đấy!”. “Anh quá khen! Có thật anh không nhận ra em ?”. Gã vờ nhíu trán, cố nhớ… rồi bật cười nghĩ rằng nàng cũng đùa vớ vẩn. “Nhìn kỹ đi… cách đây năm năm… có một cô bé quê mùa…”. “Trời đất ơi! Là.. là… em …là…Đúng rồi! hèn gì anh cứ ngờ ngợ. Vậy … mấy năm qua em ở đâu, làm gì?”. “Thì ở đây, nằm không thôi!”. Gã hạ giọng: “Sống chung với lão già?”. “Ừa! Thì sao?!”. “Thế ….có “vui vẻ”, à…. hạnh phúc… không?”. Nàng vờ cau mặt nhưng cố dằn để khỏi chồm tới tát vào mặt gã: “Anh hơi tò mò quá!”. Gã chữa ngượng, lảnh tránh ánh mắt chăm chăm của nàng. “Cho anh xin lỗi! Ờ, mà lão già, quên, “lão gia” của em đâu không thấy!”. “Bay qua Hồng Kông từ chiều!”. Thông tin này, với gã thật đáng giá. “Khách quý đến nhà, mãi nói chuyện, quên mất nước nôi mời khách…”. Nàng nở nụ cười với gã, tỏ ý xin lỗi, rồi đứng lên. Bộ ngực, cặp đùi trắng mơn mởn chầm chậm lướt qua mắt gã không quá sải tay. Tức thì, người gã bổng dưng gia tăng cái cảm giác rạo rực, tưng tức và tê tê da mặt. Qua quầng sáng đèn từ phòng trong hắt ra, nàng gần như khỏa thân, với dáng đi uyển chuyển như người mẫu. Hình như trong đầu gã tóe ra sự tiếc rẻ: Biết thế này, chẳng ngu gì “đá” con bé. Ờ, hồi đó con bé sao mà “quê” như cục đất, hót gì cũng nghe. Được cái còn gin. Giờ đã là món hàng Second-hand nhưng vẫn hấp dẫn gấp mười lần con “cọp cái” già chát của gã.
          Nàng trở lại phòng khách. Gã thấy ngay trên khay nàng bưng là những lon bia, loại bia mà con “Cọp cái” thường ép gã tọng vào mồm đến độ tê rần, để quên đi sự đời trớ trêu và cũng để kéo dài độ dẻo cho gã…
          Nhưng vô tình, nàng lại đặt khay lên trên bàn rồi khép nép ngồi sát bên gã. Không để phí một giây nào, gã liền quàng tay ôm vai nàng kéo vào, như một điều hiển nhiên phải như thế. Như thế mới gọi là giống đực trong thời hiện đại. Nàng rùn người, đẩy nhẹ tay gã rời khỏi bờ vai nhưng cứ để mặt tay gã chuồi xuống lưng, bám lại bờ eo. “Đừng… đừng anh! Để em mở bia…”. Giọng nàng ra vẻ chống chế. “Anh chưa khát, chỉ…..chỉ khát.. thèm em thôi!”. Gã kéo nàng ngã vào vai, nàng hơi cưỡng lại nhưng quá yếu ớt. “Anh là đồ đểu!”. Nàng giơ tay tát yêu vào bên má gã. Gã cười xòa: “Đàn ông mà!”. “Nói láo!”. Gã luồn tay ôm nàng, mặt sát vào nhau. “Từ giờ trở đi, anh quyết không rời xa em….”. “Đểu nữa!”. Nàng quá quen với những câu nói trơn nhẫy như thế, nhưng lại ngước đôi mắt nai nhìn gã. “Này, anh không sợ bà vợ anh với lão khọm nhà này à?”. “À…ờ….không!”. “Chắc không? Lại khó nói rồi! Biết mà! Chỉ “ta đây” ở chót lưỡi mà thôi”. Nàng xô tay, định nhổm người dậy. Gã cuống quýt ôm nàng chặt hơn: “Thôi mà! Rồi anh sẽ tính sau!”. “Hứ! Tính sau?! Bỏ vợ à?”. “Ừ!”. Gã “ừ” như con vẹt. “Còn lão khọm?!”. “Ôi dà, Diêm vương sắp cho quỷ sứ tới đón lão. Nếu chậm một chút thì lão cũng bị ném vào tù thôi!”.
          Gã trả lời qua quýt rồi tấp lên mặt nàng những cái hôn nhòe nhoẹt. Bản năng dục tính trong gã được thể nhảy xồm lên, rân khắp người. Tay gã bắt đầu “múa” không sót chỗ nào trên thân nàng. Nàng gần như thả lỏng người, mặc kệ gã độc diễn. Kỳ thực, nàng đang căng tai nghe ngoài cửa. Gã hổn hển thở, thò tay kéo váy nàng lên tận ngực. Một tiếng “cách” khô khốc vang từ ổ khóa mà chỉ có nàng mới nghe thấy. Cũng như bao lần, gã đặt nàng như biết bao người đàn bà mềm nhũng khác, rồi đứng lên, cởi tung những gì gã mặc trên người nhanh như xiếc. Thoáng vèo, gã thành cụ tổ Adam. Gã chồm người ập xuống thân nàng. Đúng lúc đó, liên tiếp lóe chớp ánh sáng đèn flash loang loáng. Nàng vùng ôm lưng gã, không để gã kịp ngước lên, phát hiện phản ứng…
          Khi gã mở to mắt giật mình, hoảng hốt thì tức khắc nhận ra nòng súng dí vào mang tai gã lạnh ngắt. “ Ngồi dậy! không được chống cự!”. Gã líu ríu nhổm người dậy, mặt tái xanh. Được thể, nàng cũng ngồi bật dậy, tay kéo nhanh váy trùm đến tận gối. “Còng tay cả hai lại!”. Giọng đàn bà ra lệnh. Nàng ngoái nhìn, thì ra là hai người đều che mạng kín mặt. Tay cầm súng rút còng bập nhanh cổ tay mặt gã với tay trái nàng. “Nhét khăn vào mồm con này!”. À, thì ra con nhãi “thư ký” của lão khọm.
          Con nhãi vòng qua trước mặt gã, một tay cầm đèn pin soi, tay kia rê ống kính camera từ đầu cho đến tận chỗ kín của gã. “Ối chà, đẹp trai và sung sức phải biết!”. Theo phản xạ trời cho, gã rụt tay bụm kín. Con nhãi bật cười hí hí. “Hèn gì con vợ già cứ bám riết, giữ rịt để xài hàng chất lượng cao…”. Gã cúi gập người sát tận gối, cố che chắn, bảo vệ “công cụ” làm ăn quý nhất của gã. Còn nàng đã từng làm “con mồi”, dù sao cũng không quá ê chề sỉ nhục như gã mắc bẫy lần đầu. “Thưa quý ông, ta bắt đầu “làm việc ” chứ ạ?”. Giọng con nhãi thản nhiên…
“.,..Quý ông nghĩ sao khi những tấm ảnh vừa chụp sắc nét, à cả băng hình nữa, sẽ được gửi đến gia quyến và công ty của quý ông, được phát đến từng người dân trong khu phố, được lên mạng Internet nữa chứ…” Ả dừng nói để gã thử ngấm đòn xem sao. Gã điếng người. Bọn này nói không phải để dọa cho vui. “Thế nào, thưa quý ông?”. “Các ….các ngươi ….muốn gì?”. Giọng gã giật cục. “Vậy là…..ông tỉnh rồi đấy! Muốn gì à? Tiền! Nôn ra đi, thưa quý ông!”. “Bao…..bao nhiêu?”. “Nhỏ thôi, so với giá trị những tấm ảnh “tuyệt vời” của quý ông. Lại càng không thấm béo gì so với núi tiền của mụ vợ…”. “Cứ ra giá đi!”. Nàng nhận thấy gã bình tĩnh hơn chút. Ả nêu số tiền. Gã hoảng kêu lên: “Ối, tôi làm gì có số tiền to thế!”. Ả phất tay: “Phôn cho ông chủ để ông chủ xử lý. Bắt gặp quả tang cảnh này ông chủ nổi cơn “xẻo” thì sống tệ hơn chết! Phôn đi…!”. “Ấy khoan….khoan đã! Tôi…..tôi đồng ý. Nhưng …..tôi không mang nhiều tiền mặt….”. “Dễ thôi! Mụ vợ hiện đang “chơi bời” ở Châu Âu, đúng không? Đúng rồi! Này, lấy chìa khóa xe trong túi áo vét vứt kia kìa- Ả lệnh cho tay cầm súng – mở cửa, lấy computer của quý ông vào đây”. “Các ngươi…….thật ác!”. Ả bật cười: “Cũng đâu bằng ông! Lừa lọc nhiều người quá rồi, đến hồi cũng bị người khác “chơi” lại chứ!”.
Tay cầm súng sách computer vào, đặt trước mặt gã. “Bây giờ qúy ông biết – phải – làm – gì – chứ!”. Gã ngước lên, tay run rẩy mở máy. Ả nhanh tay giúp gã nối mạng, rồi ngồi sát bên theo dõi. “Lệnh chuyển số tiền…..sang tài khoản này….”. Ả đọc để gã gõ từng phím…“Xong… rồi!”. Gã toát mồ hôi lạnh. “Chưa xong đâu! Chừng nào bọn tao nhận được tiền thì mới gọi là xong. Yên tâm, đúng một tháng sau, quý ông sẽ nhận toàn bộ “bản quyền” ….bọn này biết giữ đúng lời hứa, chứ không như quý ông…”.
“Đúng vậy!”. Nàng giật mình ngoái lại. Trời lão khọm! Người gã run bắn. Lão bước tới chỗ nàng, dang tay tát “bốp” “bốp” vào mặt nàng. Tay cầm súng vội lao đến can lão. “Con chó này, muốn qua mặt ông hả!!!”. Lão rít lên. “Thưa ông chủ, bỏ qua đi! Chuyện xong rồi!”. Tay cầm súng bỏ nhỏ. “Thôi được!Cho qua…”. “Ông chủ ngồi nghỉ đi! Uống lon giải khát! Ối trời, khát khô cả họng!...” “Đúng đó, ông chủ!”. Ả lên tiếng rồi nắm tay lão dìu vào ghế, bật nắp lon bia dâng tận cái mồm móm mém của lão. “Được rồi!Ta tha cho lần này!Tụi bây cũng uống đi chứ! Cả “quý ông” nữa!”. Tay cầm súng nhanh nhảu nhét súng vào lưng quần, bật tiếp hai lon, một đưa cho ả, một đưa cho gã. Gã trừng mắt, lắc đầu. “Quý ông chê bia nhà ông chủ à!”. “Thì mầy giúp một chút! Không thấy tay “quý ông” đang bận à?”. Tay cầm súng vòng ra sau, tay bóp hàm, tay kê lon bia vào miệng gã rót òng ọc. Ả “thư ký” ngửa cổ tu một hơi hết nhẵn, vứt vỏ lon loảng xoảng. Lão khọm vừa tợp, vừa nhìn bật cười: “Thật đáng buồn cho anh hùng mạt lộ…này… ngủ à?”. Hỏi chưa hết câu, lão cũng gục đầu, lăn ra ghế…

…Đợi lão già, đàn ông và ả “thư ký” lăn quay, không cục cựa, tay cầm súng lao đến nàng mở khóa còng. “Cám ơn anh! Cám ơn!”. Nàng vẫn còn run rẩy. “Anh ơi, họ có làm sao không?”. Tay cầm súng nhìn lướt qua ba thân người nằm sóng soài, lắc đầu: “Với lượng thuốc em tiêm vào ba lon bia ấy, họ bất tỉnh cả đêm  nay. Rồi mất trí nhớ trong một năm, sau hồi phục dần. Miễn sao họ đừng chết…”. Tay cầm súng mở mạng che mặt rồi kết thúc: “Em thu xếp đồ đạc xong chưa?”. “Dạ rồi!. “Anh sẽ đưa em ra ga về quê nhé!”. “Dạ ! Anh ơi, nghìn lần cảm ơn anh!Anh đã hai lần cứu em thoát chết…”. Tay cầm súng, à anh chàng lái xe, nắm tay nàng bóp nhẹ: “Thôi mà, ơn với huệ!Lo mà biến đi đã…”. “Còn anh?”. “Anh ở lại đóng nốt vở diễn để lão khỏi nghi ngờ. Xong việc, anh về quê tìm em”. Đừng, anh…đừng tìm em…Em…em chẳng còn gì…”. “Nín! Được rồi! Lên lấy hành lý! Nhanh lên!..”.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

HUẾ ,ĐÊM MƯA...


Biền  biệt mười năm nay  trở  lại
Cố  đô thương nhớ  một thời ơi !
Mưa  đêm rỉ  rả  giăng nhòe  mắt
Ướt  sũng  mình  tôi  với Huế  thôi !

 Lặng lẽ  đi tìm bóng dáng xưa
Lưa  thưa phố  ấy  mờ trong  mưa
Thoảng  đâu  trong gió hương  man mác
Có  phải trà mi  nở   giao   mùa

Vẫn  thế  mười  năm  bên  song  cửa
Lọ  hoa  ngày  ấy  vẫn  còn  đây
Mấy  nhành  khô  rũ  như lời hẹn
Mà  kẻ  đi  xa  nhét  thật  đầy ...

Rời  Huế...mưa  rơi...rơi  chơi vơi
Hương  giang  thầm nhắn  gửi  đôi lời
Nửa  thương  để lại  cho  người  ấy
Nửa  nhớ  để  dành  cho  Huế  ơi !